Cây trà trong đời sống của người Việt xưa và nay
Trà được xem như một trong những thức uống tốt nhất hiện nay được cả thế giới công nhận. Trên toàn thế giới có rất nhiều nước trồng trà mà tiêu biểu là Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Nam Á. Trà không chỉ là một thức uống mà nó còn là một nghệ thuật thưởng thức, một loại thuốc chữa bệnh. Từ Trung Hoa, cây trà du nhập vào nhiều nước. Tại mỗi nước do tính đặc thù của từng dân tộc và sở thích riêng của mỗi người mà trà được chế biến theo nhiều phương thức khác nhau. Ở Việt Nam từ xa xưa, trà thường được sử dụng hàng ngày như nước giải khát. Các gia đình trong làng thường luân phiên pha trà mỗi tối để hàng xóm đến chơi quây tụ xung quanh ấm trà và trò chuyện.
Người Việt xưa mỗi khi có khách đến chơi nhà thì chủ nhà cũng pha trà tiếp khách nên mới có câu “chén trà là đầu câu chuyện’’ để nói về tập tục đó. Bởi vậy uống trà như một cách để liên kết mọi người lại với nhau, thông qua đó hun đúc tình làng nghĩa xóm làm cho con người thân thiện và gần nhau hơn. Dần dà trở thành phương tiện không thể thiếu trong giao tiếp, cho những cuộc gặp gỡ với người thân, bạn bè và đối tác làm ăn. Tập tục uống trà giống như một nghi lễ giữ vai trò giao lưu giữa các tầng lớp trong xã hội mà không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, đẳng cấp. Không chỉ vậy, trà còn được nâng lên thành một nét phong tục, một thú vui thanh tao mà không kém phần bình dị với tầng lớp lao động người Việt.
CÂY TRÀ BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU
Các nhà khoa học đã xác định cây trà bắt nguồn từ vùng Nam Trung Hoa, được biết đến và sử dụng đã hàng ngàn năm như một vị thuốc trong y khoa và thảo mộc học, có tác dụng bồi dưỡng trong lúc mệt mỏi làm cho tinh thần minh mẫn, tỉnh táo và thư giãn. Từ cuối thế kỷ thứ IV đầu thế kỷ V thì trà đã trở thành một thức uống thông dụng và phổ biến trong dân chúng ở lưu vực sông Dương Tử. Những tìm tòi và phát hiện về thú uống trà dần dần ra đời và được ghi chép lại bởi một người được tên Lục Vũ (được gọi là ‘’Trà Thánh’’). Tác phẩm ‘’TRÀ KINH’’ của Lục Vũ đã trở thành cẩm nang không thể thiếu cho những ai đang tìm hiểu về trà và muốn nâng tầm hiểu biết về nghệ thuật trà.
Kể từ sau thế kỷ XVIII thì cây trà theo những tàu hàng đã du nhập vào phương Tây và rất được ưa chuộng đặc biệt ở xứ sở sương mù – nước Anh.
Sự phát hiện cây trà đâu đó đều có mối liên quan đến Phật Giáo mà trong các thuyết kể lại rằng Đức Phật – Gotama khiddang ngồi trầm ngâm trong vườn thì một chiếc lá trà hoang bỗng rơi vào cốc của Ngài. Thật tình cờ là Ngài đã phát hiện ra thức uống này.
Một thuyết khác nói về vị tổ sư Thiền Tông là Bồ Đề Đạt Ma, khi ấy Ngài ngủ quên trong buổi tọa thiền. Đến lúc tỉnh giấc ngài bèn bực tức cắt hai mi mắt vứt xuống đất. Chỗ đó mọc lên hai khóm trà biểu trưng cho sự đốn ngộ về thể xác và tinh thần. Vì thế về sau các thiền sư luôn sùng kính cây trà và thường trồng nó ngày bên cạnh các tu viện.
CÂY TRÀ VÀ SỰ PHỔ BIẾN CỦA NÓ
Hiện nay trên thế giới có khoảng 40 nước trồng trà và kho dữ liệu trà của người Trung Quốc đã khiến người ta cho rằng đó là quê hương của cây trà. Nhưng những nghiên cứu dựa trên các phát hiện gần đây cho thấy quê hương của cây trà ở mãi tận Phương Nam. Một phát hiện của Ủy ban Khoa học Xã hội đã phát hiện dấu tích của lá và cây trà hóa thạch ở đất tổ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ). Cho đến ngày nay ở một số vùng như Suối Giàng (Văn Chấn – Yên Bái), vẫn mọc một đồi trà cổ thụ vài nghìn cây, trong đó có những cây to vài người ôm không hết.
Ở Việt Nam, thường dùng hai tên là “trà’’ và “chè’’ để chỉ cây trà. Cách sử dụng phổ biến ở miền Bắc gọi là ‘’chè’’ và thường bao gồm nhiều loại tươi, khô và các thứ khác như ‘’chè sen’’, ‘’chè nhân trần’’, ‘’chè hoa cúc’’…còn ở miền Nam thì tên gọi theo đúng nghĩa hơn, tức là ‘’trà’’.
LỚP TRẺ UỐNG TRÀ KHÁC LỚP NGƯỜI CAO TUỔI NHƯ THẾ NÀO
Giới trẻ ngày nay cũng uống ‘’trà’’ nhưng không phải là ‘’trà’’theo cách uống truyền thống xưa mà là trà túi lọc, trà liptop, trà Tân Cương Xanh túi lọc, trà Dlmah…, một số loại trà dạng nước đóng chai pha sẵn tiện lợi khi mang đi và sử dụng. Còn lớp cao tuổi thì vẫn trung thành với trà truyền thống và cách thưởng thức truyền thống. Thật không ngoa thì nói rằng lớp người cao tuổi tìm ‘’cái truyền thống, cái sức khỏe’’ còn lớp trẻ thì tìm ‘’cái mới, cái gọn nhẹ’’.
Lớp người cao tuổi điềm đạm uống trà thái nguyên như một thú vui tao nhã, hàn huyên tâm sự nơi thanh vắng, các cụ uống trà cũng là thưởng thức cái dư vị của cuộc sống ‘’ngọt – bùi – đắng’’ qua đó cảm nhận được những tinh tế lắng đọng và những đúc rút, chiêm nghiệm. Giới trẻ thì có thể uống ừng ừng những chai trà xanh để thỏa mãn cơn khát, để tham gia những cuộc vui, những sôi động của cuộc sống ‘’uống nhanh, uống liền’’. Đối với lớp trẻ thì việc thưởng thức chậm rãi nhâm nhi từng chén trà không phù hợp với cuộc sống năng động của họ. Tuy vậy, cũng có một bộ phận số ít giới trẻ cũng tìm thấy những nét tinh tế và cảm nhận được niềm vui khi nhâm nhi và tự pha cho mình một ấm trà thái nguyên theo cách truyền thống, vòng quay cuộc sống dường như chậm lại, họ có những giây phút lắng đọng để nhìn nhận cuộc sống một cách chậm rãi hơn.
Để lại bình luận